Hàng năm gia đình ông Hồ Minh Quang (áo nâu, quận Phú Nhuận) đều gói bánh tét vào ngày 28 Tết. Đây là dịp để các thành viên trong nhà sum họp và gìn giữ nét đẹp văn hóa.
Ba ngày trước khi gói, gia đình ông phân công nhau ngâm gạo nếp, đậu xanh, rửa lá chuối... "Năm nào nhà tôi cũng gói khoảng 30 cái bánh tét kiểu miền Nam. Con cháu dù đi đâu xa thì ngày này cũng tề tựu về cùng nhau gói bánh", người đàn ông 42 tuổi nói.
Anh Iswaran Karuppiah (28 tuổi, con rể gia đình) năm đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam, được giao việc đảo sơ gạo nếp qua chảo nóng. "Tôi rất háo hức khi được trải nghiệm ngày Tết ở đây. Gói bánh tết rất thú vị, món này chắc ngon lắm", chàng rể người Ấn Độ nói.
"Đậu xanh phải ngâm qua đêm cho nở rồi nấu chín, đánh nhuyễn cho thêm hành phi vào. Thịt ba rọi nên chọn miếng nhiều mỡ đem luộc chín và ướp với hành tiêu. Mỗi nhân thì chỉ 1,5 lòng đỏ hột vịt muối", bà Hồ Nhật Vân Nga (54 tuổi, chị ông Quang) chia sẻ cách làm nhân bánh tét.
Bà Hồ Nhật Thiên Nga (50 tuổi) cho biết, công đoạn khó nhất khi gói là gấp lá chuối để phần đầu bánh ra được hình vuông, tam giác.
Gia đình định cư bên Mỹ 20 năm nay nhưng dịp Tết năm nào bà cũng về nước. "Dù đi đâu xa, ngày Tết cũng phải về quê hương. Vui nhất là không khí quây quần gói bánh tét, cả nhà nói với nhau đủ thứ chuyện", bà Nga nói.
Bánh tét được cột bằng dây lát thay vị lạt tre như bánh chưng. Dây cột không được lỏng hay chặt quá và hai bánh tạo thành một chùm.
Hơn 10 tiếng luộc, những đòn bánh tét được ông Quang vớt ra lúc rạng sáng. "Bánh ngon là khi cắt ra nếp không bị nhão, đậu xanh không bị rơi ra. Bánh tét ăn với chút củ kiệu, dưa món thì đúng tuyệt hảo", ông Quang nói.
Tại quận 9, gia đình bà Đỗ Thị Thu (ngoài cùng bên trái, 57 tuổi) cũng tất bật gói hơn 300 bánh tét vừa để bán và ăn. "Tôi quê ở Đà Nẵng nên gói bánh theo kiểu miền Trung. Thường khoảng 25 Tết là cả nhà ngừng buôn bán để gói", bà Thu nói.
Bánh tét kiểu miền Trung thường không trộn gạo nếp với đậu phộng. Phần nhân cũng đậu xanh, thịt ba rọi nhưng không có trứng vịt muối.
"Vì gói số lượng lớn nên nhà tôi thường dùng dây nylon để buộc cho tiện. Mọi người phân công nhau vo gạo, làm nhân, gói bánh. Mỗi ngày Trung tâm dịch thuật chắc gói được gần trăm cái bánh tét", bà Thu cho biết.
Không có sân rộng nên nồi bánh tét của gia đình bà Thu phải luộc bên vệ đường. Những miếng tôn được che trước nồi để tránh ám khói xung quanh.
Minh Quân (23 tuổi, con bà Thu) thức đêm thêm củi, châm nước vào nồi bánh tét đỏ lửa. "Ngồi trông bánh khiến người lúc nào cũng toát mồ hôi nhưng ý nghĩa lắm, cả năm chỉ có một lần", Quân chia sẻ.
Quỳnh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét